Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết ngày càng gia tăng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.Trên địa bàn TP Hải Dương đã có 13/25 xã phường có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó Gia Xuyên là một trong những ổ dịch lớn của Thành phố với 24 ca sốt xuất huyết (Trong đó Tranh Đấu: 22 ca; Tằng Hạ: 2 ca). Theo nhận định của các chuyên gia, dịch bệnh sốt xuất huyết đã lưu hành trên địa bàn và cao điểm là khi bước vào mùa mưa. Chính vì vậy, trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn gia tăng nếu chúng ta chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Từng là địa bàn trọng điểm về dịch bệnh SXH của thành phố Hải Dương, liên tục từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch bệnh SXH nói riêng. Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, nhà trường, các doanh nghiệp chủ động tổng vệ sinh và tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên, công nhân, phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, đặc biệt các thôn thành lập các tổ tuyên truyền vận động nhân dân triển khai các hoạt động phòng, chống SXH.
Cụ thể: Sáng nay, ngày 28/9/2022 UBND xã tiếp tục phát động tổng dọn vệ sinh khu vực ổ dịch của thôn Tranh Đấu và Tằng Hạ. Trạm y tế phối hợp Tổ tuyên truyền đã đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn vận động người dân ngủ màn, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, khai thông cống rãnh xung quanh nhà; loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết, hướng dẫn người dân thay nước bình hoa, bể cá, chậu cảnh, đậy nắp những thiết bị trữ nước sinh hoạt của gia đình … để diệt loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ môi trường cho muỗi vằn đẻ trứng, truyền bệnh SXH.
Các thôn triển khai tổng vệ sinh môi trường phòng, chống SXH 01 tuần/ 01 lần trên phạm vi toàn xã; Chủ động tổng vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi nơi ghi nhận ca bệnh và ổ dịch SXH. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát các ổ dịch trên địa bàn; Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH bằng nhiều hình thức đa dạng khác nhau như tuyên truyền qua loa phát thanh của xã, tuyên truyền trên các kênh cổng thông tin điện tử, Fabook, Zalo và lồng ghép vào các cuộc họp, tập huấn, hội thảo…. nhằm chuyển tải thông tin, kiến thức về phòng, chống SXH đến với người dân một cách hiệu quả.
UBND xã khuyến cáo người dân hãy dành thời gian thường xuyên thực hiện các các biện pháp phòng, chống dịch như: vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, loại bỏ các vật dụng phế tải, không để muỗi sinh sản. Phối hợp tốt với ngành Y tế thực hiện các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi. Đặt biệt, phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh như: sốt, đau đầu, phát ban… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh diễn biến nặng và tử vong.